Quầng mặt trời tại TP Bà Rịa lúc 11h55 ngày 16/6. Ảnh: Trường Hà. |
Anh Mai Thanh Định, Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, quầng mặt trời xuất hiện gần 11h. "Mặt trời được bao quanh bởi một quầng sáng như bảy sắc cầu vồng, lạ và đẹp. Tôi nhiều lần thấy, song lần này vòng tròn rất lớn", anh Định nói. Hơn một giờ quan sát, anh Định chụp loạt ảnh và chia sẻ lên Facebook thu hút sự quan tâm của bạn bè.
Trong tiết trời nhiều mây, oi bức, nhiều người dân ở TP Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, Châu Đức cũng nhìn thấy hiện tượng này.
Tại Đồng Nai, hào quang tròn xuất hiện từ 10h30. Càng về trưa, khi trời nắng, ít mây, quầng mặt trời càng rõ nét. Tại các khu vực như TP Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất..., nhiều người đi đường dừng lại chụp ảnh, quay phim cảnh lạ mắt trên bầu trời.
Quầng mặt trời lúc 11h30 tại Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Phan Niệm |
"Mình đang trong công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thấy trên mạng nhiều bạn bè đăng ảnh quầng mặt trời nên chạy ra ngoài xem. Lần đầu tiên mình thấy, nó rất đẹp", bạn Sao Mai ở Biên Hòa nói. Đến khoảng 12h, hiện tượng trên dần dần biến mất.
Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người dân ven biển Mũi Né cũng nhìn thấy rõ hình ảnh mặt trời được bao quanh bởi vầng hào quang từ 11h đến 13h45. "Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng như vậy", anh Nguyễn Ngọc Ẩn, người dân Mũi Né nói. Trước đó, buổi sáng, Phan Thiết có nắng đẹp, bầu trời trong xanh.
Quầng mặt trời xuất hiện ở Mũi Né lúc 11h30. Ảnh: Phan Niệm |
Anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM cho biết, trưa nay các thành viên câu lạc bộ cũng quan sát được quầng mặt trời tại Sài Gòn. "Chúng tôi gọi hiện tượng này là tán mặt trời và nó thường báo hiệu trời sắp mưa, hoặc giông", anh Duy nói.
Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng quang học, do ảnh sáng mặt trời chiếu qua đám mây tầng cao (độ cao 7-8 km). Mây có cấu trúc là các tinh thể băng, ánh sáng mặt trời, mặt trăng bị khúc xạ, phản xạ sinh ra những vòng tròn.
Cũng giống cầu vồng, quầng sáng gồm bảy màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím nhưng thứ tự màu sắc được sắp xếp ngược lại. Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Tuy nhiên, một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng.
Quầng mặt trời từng xuất hiện nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam.